12
Jul
2016
Bình Phước tìm hướng đi cho cây điều
Source: Lafooco
Tại diễn đàn, ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Phước, cho biết: Từ năm 2005 đến cuối năm 2012, năng suất điều của tỉnh giảm từ 12,35tạ/ha xuống 10,75 tạ/ha; sản lượng tăng từ 114.985 lên 149.424 tấn nhưng chủ yếu do tăng diện tích cho sản phẩm. Việc thu mua điều phụ thuộc vào thương lái, chưa có sự liên kết giữa sản xuất – thu mua – chế biến hạt điều.
Hiện, các doanh nghiệp ngành chế biến của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất cầm chừng, một số doanh nghiệp nhỏ thua lỗ và giải thể. Trước tình hình đó, tỉnh Bình Phước kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương đưa mặt hàng điều vào danh mục ưu tiên; quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương vùng thực hiện dự án; có các chính sách để phát triển ngành điều bền vững. Cụ thể như xây dựng chính sách bảo hiểm ngành điều, tăng vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ hàng năm; nghiên cứu và nhập nội các dòng, giống điều ứng biến thích hợp với biến đổi khí hậu để cho chất lượng, năng suất cao, triển khai nhân rộng dự án trồng điều năng suất cao bền vững; xây dựng vùng điều an toàn sinh học theo hướng GAP, đưa tiêu chuẩn mô hình sản xuất mới theo hướng GAP vào sản xuất điều…
Tại diễn đàn, các đại biểu chỉ ra một số nguyên nhân khiến điều đạt chất lượng chưa cao như biến đổi khí hậu, điều kiện sinh thái nhiều vùng trồng không thích hợp, lợi thế cạnh tranh thấp. Các cấp ngành chậm quy hoạch vùng trồng điều tập trung, chưa có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư phát triển, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến nông dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; công tác tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập, tiêu thụ hạt điều qua nhiều khâu trung gian, giá hạt điều thấp; người trồng thiếu vốn, nhiều nông dân không quan tâm chăm sóc điều như các loại cây trồng khác…
Theo các đại biểu, trong thời gian tới, các tỉnh cần quy hoạch vùng trồng điều; đẩy mạnh thâm canh đồng bộ trên toàn diện tích; tái canh diện tích điều già cỗi, nhiễm sâu bệnh, giống không đạt yêu cầu; trồng xen trong vườn điều; nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; hình thành tổ chức sản xuất của người trồng điều; xây dựng vườn điều mẫu, vùng nguyên liệu mẫu.
Ngoài ra, các địa phương cần quy hoạch, sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều theo hướng giảm đầu mối, hình thành các cơ sở chế biến lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại; Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp lớn, chế biến sâu xây dựng thương hiệu điều. Đẩy mạnh tiêu thụ điều trong nước, tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu. Mở rộng hệ thống thông tin giúp nông dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, khuyến khích xuất khẩu thông qua Hiệp hội điều Việt Nam.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách Trung ương và địa phương đã ban hành, các đại biểu đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách mới như hỗ trợ trồng tái canh, cải tạo, khôi phục và trồng mới, trồng xen ca cao thuộc vùng quy hoạch điều; ban hành giá sàn thu mua hạt điều hàng năm làm căn cứ các doanh nghiệp thu mua; hình thành Quỹ Bảo hiểm rủi ro ngành điều, bằng cách huy động từ các nguồn hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước và đóng góp của doanh nghiệp điều cùng các nguồn đóng góp khác; có chính sách giảm thuế GTGT đối với sản phẩm điều tiêu thụ trong nước để khuyến khích…
Minh Tuấn
Kinh Tế Nông Thôn